Từ Cách mạng Hungary 1848 đến Đế chế Áo-Hung Lịch_sử_Hungary

Cách mạng Hungary năm 1848

Ngày 15 tháng 3 năm 1848, những cuộc biểu tình lớn nổ ra trên các đường phố Pest và Buda trong cao trào cách mạng tư sản đang lan khắp châu Âu năm 1848. Đối mặt với những cuộc nổi dậy liên tiếp ngay tại chính kinh đô Viên, triều đình Habsburg đã phải tạm thời chấp nhận những yêu cầu của người Hungary. Nhưng sau khi cuộc cách mạng tại Áo bị đàn áp, triều đình Habsburg đã kích động người Croatia, Serbia và Romania chống lại chính phủ Hungary. Chính phủ cách mạng của Hungary cũng nhận được sự ủng hộ của một bộ phận lớn người Slovak, Đức, Rusyn, Do Thái. Tướng János Damjanich, một người Serbia đã trở thành người anh hùng lịch sử của dân tộc Hungary khi lãnh đạo một đội quân cách mạng của nước này. Lúc ban đầu, quân đội Hungary đã giành được một số thắng lợi bước đầu nhưng sau khi triều đình Habsburg cầu viện nước Nga, quân Nga hoàng đã tràn vào và dập tắt cuộc khởi nghĩa. Ngày 6 tháng 10 năm 1849, 13 vị tướng lĩnh trong quân đội cách mạng Hungary và thủ tướng Lajos Batthyany đã bị xử tử.

Sau khi nước Áo bị quân Phổ đánh bại năm 1866, để củng cố quyền lực của mình tại châu Âu, đế quốc Áo đã liên kết với vương quốc Hungary để thành lập Đế quốc Áo-Hung (năm 1867). Đế quốc Áo-Hung gồm 2 phần là Áo và Hungary, mỗi nước có chính phủ và các chính sách quân sự, đối ngoại riêng biệt với nhau. Thời kỳ này, Vương quốc Hungary đã có những bước tiến ấn tượng về mặt kinh tế, bước đầu được công nghiệp hóa mặc dù cơ cấu kinh tế vẫn chủ yếu dựa trên nông nghiệp, còn khá lạc hậu so với các nước tư bản Tây Âu.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Áo-Hung chiến đấu bên phe Liên minh Trung tâm của Đế chế Đức, BulgariaĐế chế Ottoman. Những khó khăn về kinh tế, các thất bại quân sự cũng như sự bất mãn của người dân đã khiến Đế quốc Áo-Hung sụp đổ hoàn toàn vào năm 1918, trên cơ sở đó hình thành các quốc gia mới là Áo, Tiệp Khắc và Hungary.